Nhiều người mẹ vẫn nghĩ rằng cảm cúm có thể lây truyền qua sữa mẹ và khiến bé bị ốm.
Các bác sĩ khẳng định, khi cảm cúm, bạn vẫn có thể cho bé bú như bình thường. Virus cúm không có khả năng lây truyền từ cơ thể mẹ vào nguồn sữa và không thể ảnh hưởng đến bé.
Với bé sơ sinh, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu, vì vậy bạn không nên “cắt giảm” việc cho bé bú vì cảm cúm. Bé trên 6 tháng tuổi có hệ miễn dịch tốt hơn, có thể đề kháng với virus cúm.
Cảm cúm là chứng bệnh thường gặp, có thể chữa khỏi (tùy từng người thời gian chữa bệnh kéo dài từ vài ngày đến vài tuần).
Tuy nhiên, sự tiếp xúc, gần gũi khi cho bé bú là môi trường thuận lợi để virus cúm có thể xâm nhập vào bé qua đường hô hấp. Người mẹ cố gắng hạn chế việc ho hay hắt hơi (nhảy mũi). Mẹ có thể sử dụng khẩu trang khi gần bé; đồng thời nên rửa tay sạch sẽ mỗi lần chuẩn bị cho bé bú. Người mẹ cũng có thể nhờ người khác chăm sóc bé trong thời gian bạn bị cảm để tránh truyền virus cúm sang cho bé.
Nếu mệt mỏi, người mẹ cần uống nước nhiều hơn. Nếu phải sử dụng kháng sinh nên tránh các thuốc cloramphenicol, tetraxiclin, metronidazon, sulfonamid... Nếu quá ốm, không cho con bú được, bạn nên vắt sữa và nhờ người trong gia đình cho bé uống.
Lưu ý: Khi sử dụng thuốc cảm chứa antihistamine (một chất cơ bản để giảm tình trạng hắt hơi, chảy nước mũi khi cảm cúm), nó có thể gây ảnh hưởng cho em bé qua sữa mẹ.
- Nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng hoặc hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng nếu bạn không biết chắc loại thuốc mình uống có chứa antihistamine hay các chất kháng sinh khác không.
Theo Sức Khỏe & Đời Sống, những người không nên cho con bú là khi họ mắc các bệnh: Lao; Suy tim nặng; HIV (tỷ lệ nhiễm bệnh là 15%); Các bệnh tâm thần, động kinh; Viêm gan; Viêm thận; Đái tháo đường; Các bệnh lý về tuyến giáp; Viêm vú; Virus cấp tính; Bệnh kết hạch...